Người hai lần chiến thắng ung thư

Từng mang trên mình hai căn bệnh quái ác: ung thư buồng trứng và ung thư đại trực tràng. Cuộc đời như thế tưởng chẳng còn gì để chị Đặng Thị Cúc có thể tuyệt vọng hơn nữa.

  
Hàng tuần, chị Cúc dành nhiều thời gian cho luyện tập

Làm thật nhiều để quên bệnh

Ung thư ập đến với tôi năm 1993, lúc đó 36 tuổi. Khi đang làm công nhân xí nghiệp may thì bị đau bụng, đưa vô bệnh viện. Tôi cứ nghĩ đau thông thường, bác sĩ chích thuốc giảm đau là hết. Sau thấy bụng vẫn đau, tôi theo một người bạn vô bệnh viện Từ Dũ siêu âm, phát hiện có khối u. Bác sĩ bảo khối u lớn năm sáu phân rồi, phải nhập viện mổ gấp. Thời đó thiếu thốn máy móc, thuốc men nên mổ đau dữ lắm. Nằm hết một tuần, thấy bơn bớt, bệnh viện cho xuất viện. Lúc trả hồ sơ, bác sĩ bảo chuyển tôi qua bệnh viện Ung bướu TPHCM điều trị tiếp.

Đọc hồ sơ thấy ghi “bệnh K”, chẳng hiểu ất giáp gì, tôi tìm một y tá hỏi và nhận được lời khuyên nhập viện càng sớm càng tốt. Lúc đó ngã ngửa ra, biết mình bị ung thư buồng trứng, giai đoạn ba rồi. Hồi xưa, nghe ung thư sao mà khủng khiếp, giống như HIV giờ vậy. Ai hỏi cũng không dám nói vì dạo đó người ta còn quan niệm ở ác mới bị bệnh vậy.

Nghĩ ông bà mình nói “còn nước còn tát” chắc cũng có cái lý nên tôi quyết định nhập viện Ung bướu. Lúc đó ít bệnh nhân chứ không đông như bây giờ. Bác sĩ làm thủ tục tôi nhập khoa nội lầu bốn. Linh cảm mách bảo tôi sắp bắt đầu có những ngày đau đớn khủng khiếp lắm. Xét nghiệm, tiếp đó hóa trị. Ba tháng đầu vô thuốc, tuy rất mệt nhưng tôi vẫn trụ được. Tóc sau khi vô thuốc ít lâu, rụng sạch. Về nhà cũng không ăn uống gì được, chỉ nằm bẹp một chỗ. Ăn gì cũng buồn nôn. Nhà làm nghề may, sửa quần áo, lúc nào vô thuốc bị vật thì tôi nằm nghỉ, còn khoẻ thì leo lên máy làm tiếp. Tôi ráng làm, làm thật nhiều để quên bệnh.

Thiệt tình là tôi sợ mùi bệnh viện, sợ cái cảm giác nhìn những người cùng cảnh ngộ sống nốt những ngày cuối đời. Tôi xin địa chỉ phòng mạch của bác sĩ đang điều trị cho mình, để đến đó vô thuốc cho tiện. Bác sĩ khuyên tôi nên chịu khó tới bệnh viện vì ở đây đầy đủ điều kiện hơn. Theo dõi đúng sáu tháng, xét nghiệm tổng quát, bác sĩ bảo bình thường rồi. Tôi mừng mà nước mắt không biết ở đâu cứ tự dưng chảy ra. Ngăn không được. Sau đó, tháng nào bệnh viện cũng kêu tôi đến xét nghiệm. Rồi giãn dần thời gian xét nghiệm. Cho đến năm thứ mười, bác sĩ bảo bệnh của tôi tạm thời ổn định, không có biến chứng gì nữa. Nghe câu đó tôi vui không cách nào diễn tả hết. Nhìn xấp hồ sơ bệnh án sau mười năm dày cả gang tay, tôi rùng mình, không tin mình có thể thoát lưỡi hái tử thần kỳ diệu như vậy.

Không chậm trễ nữa!

Cuộc sống bình thường kéo dài được chừng 16 năm thì tin dữ lại một lần nữa ập đến với tôi. Năm 2009, bác sĩ phát hiện tôi bị ung thư đại trực tràng. Lần này thì không phải ngẫu nhiên, vì năm 2003 em tôi đã bị bệnh này, điều trị khỏi, thành ra chớm thấy triệu chứng giông giống là tôi vô bệnh viện đại học Y dược TPHCM khám liền. Tôi được nội soi, lại phát hiện khối u ở bụng. Rất may lần này làm xét nghiệm nội soi sinh thiết, biết khối u chưa sinh sản tế bào ác, nên tôi cũng đỡ sợ phần nào.

Bước điều trị tiếp theo cũng lại là hoá trị. Nhưng về nhà, tôi không vật vã như lần trước. Xạ trị kéo dài được đâu sáu tháng thì bác sĩ báo tin mừng bệnh tôi đã khỏi.

Có ai lo sức khoẻ cho mình hơn mình

Đi qua hai lần mắc bệnh ngặt nghèo, tôi nghiệm ra một điều, nếu có bệnh thì mình phải cố gắng điều trị. Chữa được thì phải chữa, phải theo tới cùng, phải tin tưởng tuyệt đối vào các bác sĩ. Khi nghe tôi chia sẻ quá trình điều trị bệnh của mình, nhiều người bệnh ung thư cũng thấy đỡ lo hơn. Dù gì tôi cũng là nhân chứng sống! (cười).

So với thời của tôi mới mắc bệnh, bây giờ không quá khó để mọi người bảo vệ sức khoẻ của mình, chỉ tại ỷ y không chịu đi khám bệnh. Mắc ung thư giờ cũng không còn là điều gì đó quá động trời, động đất. Y học ngày càng tiến bộ, điều trị ngày càng dễ dàng, hiệu quả cao. Không ai lo sức khoẻ cho mình tốt hơn mình. Mọi người nên để ý cơ thể, thường xuyên kiểm tra, biết sớm điều trị sớm, bác sĩ cũng đỡ mất công. Liều thuốc quan trọng nhất giúp tôi chiến thắng ung thư chính là tinh thần. Lúc nào tinh thần mình cũng phải vững để vượt qua bệnh tật!

Theo Trung Dũng

Sài Gòn tiếp thị