Thai phụ bị nghén nặng có thể do chửa trứng

Ngay từ khi mang bầu, Hoa, 25 tuổi, ở Ninh Bình đã thấy nghén dữ dội, ngủ không được, ăn gì cũng nôn sạch. Mới đầu cô nghĩ là bình thường, đến khi thấy ra máu cô mới tá hỏa đi khám thì biết mình bị chửa trứng.

Ảnh minh họa: Essential.

Sức khỏe vốn đã yếu, ăn rất ít lại thường xuyên không ngủ được, nên đến khi có thai Hoa lại càng thấy người mệt mỏi. Có hôm cả ngày cô không ăn uống được gì, nếu có thì cũng chỉ được 1, 2 thìa cơm hoặc một cái bánh mì. Sữa cũng không uống được.

"Nghe mọi người nói ai có bầu thì ăn sẽ rất khỏe, lên cân nhanh, mình thì ngược lại chả ăn uống được gì. Trừ lúc ngủ, người lúc nào cũng nôn nao khó chịu, chỉ cần ngửi thấy mùi thức ăn xào tỏi, hơi nóng cơm... trong bụng có gì là cho ra bằng sạch. Mấy tháng đầu chỉ tăng cân được mấy lạng", Hoa cho biết.

Hoa cho rằng những khó chịu này vì nghén nên qua 3 tháng đầu là ổn nên cô không đi khám. Đến tháng thứ tư thấy ra máu ở âm đạo, cô mới đến bác sĩ, phát hiện bệnh tình trầm trọng hơn cô tưởng.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y khoa Thái Hà (Hà Nội) cho biết, chửa trứng là một tình trạng thai nghén bất thường, rau bị thoái hóa. Thai phụ thường bị nghén rất nặng, nôn nhiều, ăn vào là nôn, người gày sút, có thể kèm theo ra máu âm đạo.

Nghén là biểu hiện sinh lý bình thường của bà bầu. Tuy nhiên, trong số đó có số ít chị em biểu hiện nặng, cần lưu ý đặc biệt như trường hợp của Hoa.

Theo bác sĩ, đa phần thai phụ bị nghén trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tuy nhiên vẫn có những người tình trạng khó chịu kéo dài đến tận tháng 7, 8. Đây là thời điểm người phụ nữ chưa thích nghi với phôi thai tồn tại trong cơ thể mình. Quá trình nghén không phụ thuộc vào sức khỏe của phụ nữ mà là do sự thích nghi của cơ thể người mẹ với phôi thai nhanh hay chậm, tốt hay không.

Biểu hiện nghén của phụ nữ mang thai rất đa dạng. Phổ biến nhất là chị em thấy người mệt mỏi, lợm giọng, chóng đói nhưng ăn được rất ít, dễ buồn nôn. Nhiều thai phụ lại cảm thấy sợ một số mùi vị đặc biệt hoặc thèm ăn một thứ mà trước đây không ăn, các thứ có vị chua… Sau đó, các triệu chứng nghén sẽ giảm dần và mất hẳn.

"Nếu nghén kéo dài, thai phụ bị nôn nặng, dẫn đến mất nước, mất chất điện giải, sụt cân thì phải đưa vào bệnh viện truyền nước. Tuy nhiên, việc truyền dịch phải tuân theo chỉ định của bác sĩ sản phụ khoa, tuyệt đối không được tự ý truyền", bác sĩ Dung nói.

Ngoài ra, khi bà bầu bị nghén nặng thì nguy cơ sảy thai và thai chết lưu cao. Đồng thời, đó cũng có thể là biểu hiện của chứng nhiễm độc thai nghén, nếu không được điều trị có thể dẫn tới tiền sản giật, sản giật.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi mang thai chị em nên tránh lại gần những tác nhân gây buồn nôn như hơi cơm, hơi nóng, mùi thức ăn xào nấu khi nóng. Việc uống sữa đối với phụ nữ mang thai là rất cần thiết, nhưng nếu uống sữa gây nôn nên dừng lại. Để phòng ngừa chửa trứng, bà bầu cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không sinh quá gần nhau. Khi có thai nên đi khám thai định kỳ để phát hiện các bất thường nguy hiểm.

Phương Trang